Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
02113.863416

Hội thảo khoa học "Xây dựng mô hình kết nối, đồng hành giữa giảng viên Khoa Lịch sử của Trường ĐHSP Hà Nội 2 với giáo viên ở các trường phổ thông"

Hội thảo khoa học "Xây dựng mô hình kết nối, đồng hành giữa giảng viên Khoa Lịch sử của Trường ĐHSP Hà Nội 2 với giáo viên ở các trường phổ thông"

 

Toàn cảnh Hội thảo

Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang thực hiện một trong những cuộc cải cách toàn diện, đầy tham vọng hiện nay, sự kết nối, hợp tác giữa các trường đại học và trường THPT trong quá trình đào tạo và đào tạo lại giáo viên ngày càng đòi hỏi phải đi vào thực chất và chiều sâu. Nhận thức được điều đó, Khoa Lịch sử Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã tổ chức hội thảo: Xây dựng mô hình kết nối, đồng hành giữa giảng viên Khoa Lịch sử của Trường ĐHSP Hà Nội 2 với giáo viên ở các trường phổ thông. Hội thảo thu hút được sự quan tâm và tham gia viết bài của không những toàn bộ giảng viên trong Khoa mà cả các nhà nghiên cứu ngoài trường và các nhà quản lý giáo dục ở bậc phổ thông.

Hội thảo được tổ chức từ 8h30 đến 11h20 ngày 19/10/2022 tại Phòng họp 5 nhà A2 với năm báo cáo. Các báo cáo trong Hội thảo đều xoay quanh vấn đề tăng cường kết nối giữa trường sư phạm với trường phổ thông, từ đó nhận được sự trao đổi và thảo luận sôi nổi của các giảng viên trong Khoa.

Báo cáo đầu tiên của TS. Nguyễn Văn Dũng “Xây dựng mô hình kết nối đồng hành giữa giáo viên trường ĐHSP Hà Nội 2 với giáo viên ở các trường phổ thông” đã nhấn mạnh lý do vì sao cần phải thiết lập mô hình về mạng lưới kết nối giữa trường sư phạm với các trường phổ thông, trong đó nhấn mạnh vào những khó khăn gặp phải của giáo viên các trường phổ thông trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp đó, tác giả trình bày về thực trạng của quá trình kết nối, đồng hành giữa giảng viên và giáo viên các trường phổ thông. Cuối cùng, thông qua khảo sát đội ngũ giáo viên phổ thông, tác giả đề xuất xây dựng mô hình kết nối, đồng hành giữa giảng viên và giáo viên phổ thông với những hình thức hết sức đa dạng và thuận tiện.

TS Nguyễn Văn Dũng trình bày báo cáo

Thông qua báo cáo “Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thống tin trong việc kết nối và giảng dạy môn Lịch sử”, ThS. Lê Mạnh Hùng- Trường ĐH Nghệ thuật Trung ương đã tập trung vào bốn vấn đề chính: (1) chuyển đổi số là gì?; (2) chuyển đổi số như thế nào để đạt được hiệu quả trong giáo dục và đào tạo; (3) Ứng dụng CNTT trong việc kết nối giữa giảng viên Khoa Lịch sử và giáo viên các trường phổ thông; (4) Ứng dụng CNTT trong việc số hóa bài giảng Lịch sử.

ThS Lê Mạnh Hùng trình bày báo cáo

Với mục đích chính là hướng tới kết nối với giáo dục phổ thông, báo cáo thứ ba của Hội thảo đến từ ThS. Nguyễn Hồng Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Vinschool Ocean Park đã đi sâu vào “Kết nối giữa trường sư phạm và trường phổ thông: góc nhìn từ nhà tuyển dụng”. Thông qua báo cáo này, từ chỗ chỉ ra những tiêu chuẩn của giáo viên một số nước trên thế giới, tác giả đã mạnh dạn chia sẻ những kỳ vọng của Vinschool về tiêu chuẩn của giáo viên, trong đó tập trung vào năm vấn đề: (1) Năng lực xây dựng và phát triển chương trình; (2) Cập nhật xu thế giáo dục và phương pháp dạy học tích cực; (3) Thiết lập được môi trường học tập an toàn – tích cực; (4) Gắn kết Phụ huynh, đồng nghiệp và cộng đồng; (5) Tư duy, kỹ năng chung. Tiếp đó, thông qua việc khảo sát chương trình sư phạm lịch sử ở trường ĐHSP Hà Nội 2, tác giả đưa ra những đề xuất về chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, thực hành sư phạm, kỹ năng mềm; và về kết nối-đồng hành với trường phổ thông. Trong đó tác giả nhấn mạnh vào việc thay đổi hệ thống môn học để tăng thực hành cho sinh viên, và liệu có nên cân nhắc đưa môn dự án cá nhân không?

PGS.TS Phùng Gia Thế phát biểu

Trong suốt 3 tiếng báo cáo và thảo luận tích cực, rất nhiều vấn đề đã được trao đổi và làm sáng tỏ. Đối với hai báo cáo của TS. Nguyễn Văn Dũng và ThS. Lê Mạnh Hùng, TS. Cao Thị Vân đặt 3 câu hỏi: (1) Việc kết nối giữa giảng viên và giáo viên phổ thông có lẽ nên xuất phát từ chính nhu cầu của người học: sinh viên bậc đại học và học sinh ở phổ thông. Do đó, điều này có nên đi kèm với việc thay đổi chương trình giảng dạy ở bậc đại học cho phù hợp với bối cảnh mới của nền giáo dục hiện nay hay không? (2) Việc số hóa trong giáo dục đại học có mối quan hệ như thế nào với chương trình số hóa quốc gia, nhất là những vấn đề liên quan đến thanh toán online? (3) Nên số hóa cơ sở hạ tầng trước hay đào tạo giáo viên về số hóa trước, hay tiến hành đồng thời trong bối cảnh của sự khiêm tốn về tài chính/ngân sách? Tiếp đó, ThS. Ngô Thị Lan Phương đến từ Trường THPT Kim Anh chia sẻ những mong muốn của Trường phổ thông nhất là về việc đào tạo giáo viên và đào tạo lại giáo viên, đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu cần sự hỗ trợ của giảng viên đại học trong khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. PGS. TS. Phạm Văn Lực đặt 3 câu hỏi: (1) Về việc thay đổi Chương trình giáo dục đại học, liệu có thể bổ sung phần Phương pháp giảng dạy môn Giáo dục địa phương không? (2) Liệu có bản demo đào tạo bồi dưỡng giáo viên phổ thông về dạy học nội dung giáo dục địa phương không? (3) Nếu được thành lập Tổ tư vấn thì cơ chế sẽ như thế nào?

Đối với báo cáo của ThS. Nguyễn Hồng Nhung, TS. Cao Thị Vân đặt ra hai câu hỏi: (1) Đối với việc chuyển đổi chương trình Toán học sang sách song ngữ hệ Cambridge, liệu Vinschool có đáp ứng được việc thay đổi tư duy cho giáo viên để giảng dạy? Và Vinschool đã làm gì để đào tạo giáo viên? (2) Vinschool căn cứ vào đâu để lựa chọn triết lý “dạy học theo chuẩn đầu ra” và tiêu chí lựa chọn giáo viên phổ thông?

Thông qua Hội thảo lần này, nhiều ý tưởng về mô hình kết nối giữa trường ĐHSP Hà Nội 2 với trường phổ thông đã được đưa ra thảo luận sôi nổi. Chắc chắn, đây sẽ là những gợi ý cho Khoa Lịch sử nói riêng và Trường ĐHSP Hà Nội 2 nói chung trong dự án kết nối và đồng hành cùng giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

TS Cao Thị Vân - Trợ lý Khoa Hoc, Trường ĐHSP Hà Nội 2



Tags:


Bài viết khác

Hành trình đến với giáo viên huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Hành trình đến với giáo viên huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trong các hoạt

12/10/2023